Tại sao Arsenal lại phải chuyển từ Highbury sang sân Emirates?
Trong những năm cuối thập kỉ 90, có mùa giải Arsenal đã phải từ chối hơn 20.000 đơn đặt vé, bỏ lỡ một khoảng doanh thu lớn cho câu lạc bộ.
Lý do bởi sân Highbury chỉ có sức chứa 38.419 khán giả (đây là sức chứa thấp nhất trong hầu hết các sân vận động tại Châu Âu lúc bấy giờ), việc mở rộng sân Highbury là không khả thi. Do đó, việc chuyển sân nhà cho Pháo Thủ Thành London là một việc rất cần thiết.
Tuy gặp nhiều khó khăn trong việc tìm địa điểm thích hợp, câu lạc bộ đã chọn được Ashburton Grove, chỉ cách sân nhà cũ vài trăm mét.
Kế hoạch dự định sẽ khai mạc sân mới của Arsenal vào tháng 8 năm 2003 nhưng mãi đến tháng 7 năm 2006, sân Emirates, ngôi nhà mới của Những Khẩu Thần Công mới chính thức hoàn tất công đoạn xây dựng và đưa vào sử dụng.
- Sân vận động Tottenham – Thiết kế triệu bảng, tương lai mới cho Gà Trống
Sân Emirates – Nơi tôn vinh truyền thống, văn hoá của các Pháo Thủ
Với sức chứa lên tới 60.355 người, sân Emirates là sân bóng lớn thứ 3 Vương Quốc Anh sau Wembley và Old Trafford.
Cái tên trước đây Ashburton Grove được đặt theo tên con đường mà sân vận động này toạ lạc nằm tại Holloway, London. Mãi đến năm 2004, sân vận động này mới được đổi tên thành Emirates theo tên của hãng hàng không tài trợ cho Câu Lạc Bộ Arsenal.
- Sân tập Câu Lạc Bộ Ngoại Hạng Anh: Nơi hoành tráng, chỗ có chuột
Sân Emirates có sân bóng dài 105 mét và rộng 68 mét, trong khi sân cũ Highbury chỉ có 100 mét chiều dài và 66,7 mét chiều rộng.
Đường hầm dành cho các cầu thủ đi ra sân cỏ và những nơi đặt máy quay đều được thiết kế và xây dựng giống y hệt sân Highbury trước kia.
Các văn phòng của câu lạc bộ chính thức được gọi là Highbury House và được đặt tại phía Đông Bắc của sân Emirates.
Sân Emirates được biết đến là điểm đến mơ ước của không ít cổ động viên bóng đá trên toàn thế giới. Điểm đặc biệt của sân Emirates là các điểm mở tại các tầng cao, mái che của sân cũng được thiết kế theo cấu trúc xiên chéo vào trong.
Điều này tạo ra không gian mở vô cùng độc đáo, thể hiện sự hiện đại, chuyên nghiệp. Chính sự đặc biệt trong thiết kế đã tạo ra điểm thu hút ánh sáng vô cùng lớn cho sân nhà của Arsenal.
Song chính thiết kế này lại ảnh hưởng tới cổ động viên trên sân vì họ không thể nhìn thấy nhau khi ngồi ở tầng trên 2 phía khán đài.
Những cột mốc đáng nhớ trên sân Emirates
– Trận đấu đầu tiên trên sân Emirates là cuộc tranh tài giữa Arsenal vs Ajax Amsterdam ngày 22/07/2006, trận đấu giao hữu này đã kết thúc với tỷ số 2-1.
Điểm đặc biệt, cầu thủ đầu tiên ghi bàn trên sân Emirates là Klaas-Jan Huntelaar của Ajax và tiền đạo Thierry Henry là cầu thủ đầu tiên của Arsenal ghi bàn trên sân vận động này.
– Trận đấu chính thức đầu tiên của Arsenal trên sân nhà mới là trận đấu trong khuôn khổ giải Ngoại Hạng Anh với Aston Villa ngày 01/09/2006.
Tỷ số trận đấu là 1-1 với bàn thắng của Olof Mellberg của Aston Villa, là bàn thắng đầu tiên của giải Ngoại Hạng Anh trên sân vận động Emirates.
– Trận đấu trong khu vực Châu Âu đầu tiên của Arsenal là trận vòng loại cúp C1 với đối thủ là Dinamo Zagreb vào ngày 23/08/2006.
– Trận đấu quốc tế đầu tiên trên sân Emirates là trận giao hữu giữa hai đội Brazil vs Argentina vào ngày 03/09/2006. Kết quả cuối cùng với tỷ số 3-0 nghiêng về Brazil.
– Mãi đến ngày 23/09/2006, Arsenal mới có chiến thắng đầu tiên trên sân Emirates khi đã giành thắng lợi giòn giã với tỷ số 3-0 trước Sheffield United.
– Trận thua đầu tiên của Arsenal tại sân vận động Emirates là trận thua 0-1 trước West Ham United ngày 07/04/2006, trong trận thi đấu thứ 23 trên sân nhà. West Ham cũng chính là đội bóng cuối cùng đánh bại Arsenal trên sân nhà cũ Highbury.
Những thăng trầm của Arsenal kể từ khi chuyển về sân Emirates
Khi được hỏi về quyết định di chuyển sân nhà từ Highbury sang sân Emirates, huấn luyện viên trưởng người Pháp – Arsene Wenger bày tỏ sự hối tiếc…
“Nếu bạn yêu cầu tôi làm việc đó một lần nữa, tôi sẽ nói không, hãy để một ai đó khác làm điều ấy. Tôi sẽ không mạo hiểm chơi canh bạc di chuyển sân nhà nữa, bởi vì nó khiến mọi thứ trở nên quá khó khăn” .
Sở dĩ có sự hối tiếc như vậy, bởi thời kỳ “Hậu Highbury” thật sự là thời kỳ khá khó khăn và đói danh hiệu của Arsenal.
Nếu như vào những năm cuối của thập niên 1990 và đầu thập niên 2000, Arsenal đã có phong độ cực kỳ xuất sắc, họ giành được những thành công lớn: Arsenal đoạt cú đúp Ngoại Hạng Anh và Cúp FA mùa giải 1997/1998, cùng với cú ăn ba mùa giải 2001/2002.
Ngoài ra, câu lạc bộ lọt đến trận chung kết của UEFA Cup 1999/2000 (thua sau loạt đá luân lưu 11m trước Galatasaray) và đoạt Cúp FA vào các năm 2003, 2005.
Đặc biệt là chức vô địch Ngoại Hạng Anh mùa giải 2003/2004 với trọn vẹn 38 trận bất bại (26 trận thắng, 12 trận hòa)… từ đó các cổ động viên đặt cho họ biệt danh The Invincibles (Đội Bóng Bất Bại).
Đó là một phần trong chuỗi 49 trận bất bại của Arsenal tại giải bóng đá Ngoại Hạng Anh kể từ ngày 7 tháng 5 năm 2003 đến ngày 24 tháng 10 năm 2004, một kỷ lục của bóng đá Anh.
Kể từ khi chuyển về sân Emirates (2006) đến nay, Pháo Thủ Thành London mới chỉ dành được 4 Cup FA vào những mùa giải 2013/2014, 2014/2015, 2016/2017 dưới thời huấn luyện viên Arsene Wenger và mới đây, mùa giải 2019/2020 dưới thời huấn luyện viên Mikel Arteta.
Họ không lần nào giành được “vàng” từ giải Ngoại Hạng Anh, thậm chí có những mùa giải họ không lọt vào Top 4 (năm 2017) sau khi đã duy trì được thành tích góp mặt trong Top 4 Premier League trong 20 mùa liên tiếp.
Thời kỳ “hậu Highbury” thực sự khó khăn với Arsenal bởi CLB này buộc phải điều chỉnh để cân đối tài chính sau khi chuyển tới một sân vận động hoành tráng hơn, nhưng lại ngốn nhiều tiền xây dựng hơn, phải đối mặt với nhiều sự cạnh tranh hơn, trong điều kiện bị hạn chế về mặt tiền bạc.
Mục tiêu không còn là các chức vô địch, mà chỉ là cố gắng ở nhóm đầu giải Ngoại Hạng Anh và có vé dự Champion League, để CLB có tiền trả nợ sau khi xây sân mới.
Với chức vô địch FA Cup 2019/2020 người hâm mộ Arsenal thực sự đang rất hy vọng vào sự trở lại thời kỳ hoàng kim của The Gunners, bởi kể từ khi chia tay Arsene Wenger thì CLB đã tìm được sự phù hợp ở Mikel Arteta về triết lý bóng đá, sau khi đã thử và không thành công với Unai Emery.
Thêm nữa, sau khi đã trả nợ xong, sân Emirates bắt đầu sinh lời, người hâm mộ cũng rất hy vọng tỷ phú Kroenke – chủ sở hữu CLB Arsenal sẽ có những khoản đầu tư lớn hơn để tái thiết câu lạc bộ.
Chỉ còn một khoảng thời gian ngắn nữa, mùa giải 2020/2021 sẽ chính thức bắt đầu, liệu rằng Arsenal có một sự trở lại “hoành tráng” hay lại tiếp tục bị lép vế so với những cái tên khác như Manchester City, Liverpool,…
Hãy tiếp tục đồng hành cùng tapchibongda để cập nhật tin tức Ngoại Hạng Anh cũng như dõi theo những bước đi của đội chủ sân Emirates nhé!